Tụ máu não dưới màng cứng là khối máu đông hình thành trong khoang dưới màng cứng, khoang giữa màng cứng và màng nhện. Máu tụ dưới màng cứng thường do chấn thương đầu gây tổn thương các tĩnh mạch vỏ não.
Với các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại có thể cho thấy máu tụ dưới màng cứng. Nếu máu tụ dưới màng cứng số lượng ít có thể tự hồi phục nhanh chóng, hoặc bệnh nhân có thể cần phải được phẫu thuật để lấy máu tụ.

Đọc thêm: Chảy máu não có nguy hiểm không

1. Màng não và khoang dưới màng cứng là gì?

Màng não là các lớp lót bảo vệ não, bao bọc xung quanh não trong hộp sọ và quanh tủy sống trong ống sống.

- Màng não có 3 lớp:

+ Màng cứng: lớp ngoài cùng nằm sát xương sọ hoặc xương sống.

+ Màng nhện: lớp giữa.

+ Màng mềm: nằm trong cùng, là màng sát não bộ và tủy sống.

- Màng não có ba khoang giữa các lớp:

+ Khoang ngoài màng cứng: là khoang giữa hộp sọ và màng cứng. Đây là khoang ảo, dính sát xương, chỉ bị tách ra khi có bệnh lý.

+ Khoang dưới màng cứng: là khoang giữa màng cứng và màng nhện.

+ Khoang dưới nhện: là khoang giữa màng nhện và màng mềm.

2. Máu tụ dưới màng là gì, do nguyên nhân nào gây ra?

- Máu tụ dưới màng cứng là khối máu tụ hình thành trong khoang dưới màng cứng.

- Máu tụ dưới màng cứng thường do các nguyên nhân sau:

+ Chấn thương ở đầu như bị ngã và đập đầu, hoặc bị chấn thương đầu do tai nạn. Chấn thương này có thể làm tổn thương và gây ra chảy máu từ các mạch máu tụ lại trong khoang dưới màng cứng, hoặc có thể gây tổn thương nhu mô não cùng một lúc.

+ Do chảy máu tự phát và không phải do chấn thương như rối loạn đông máu, do dùng thuốc (thuốc chống đông máu như Warfarin), bệnh máu khó đông (haemophilia) hoặc do giảm tiểu cầu.

+ Một nguyên nhân hiếm gặp của máu tụ dưới màng cứng là chảy máu từ chỗ phồng lên của mạch máu, gọi là túi phình mạch não (aneurysm). Các thành của túi phình mạch não yếu, có thể vỡ và gây chảy máu.

3. Tụ dưới màng cứng hay gặp ở lứa tuổi nào?

Máu tụ dưới màng cứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ tụ máu dưới màng cứng sau một sang thương đầu cao hơn như:

- Người cao tuổi: bộ não có thể teo nhỏ bên trong hộp sọ. Điều này làm căng các mạch máu và làm cho chúng dễ chảy máu hơn khi bị chấn thương ở đầu.

- Người nghiện rượu: có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu, ngoài ra nó có thể tăng khả năng teo não nhanh hơn,… điều này làm căng các mạch máu và dễ chảy máu. Đặc biệt, những người này dễ bị ngã mà không biết nên dễ dẫn đến tụ máu dưới màng cứng mạn tính.

- Những người dùng thuốc kháng đông.

- Trẻ em: tụ máu dưới màng cứng có thể do bạo hành.

4. Các dấu hiệu của máu tụ dưới màng cứng là gì?

Não và màng não được bao phủ trong hộp sọ. Khi tụ máu dưới màng cứng, cục máu đông lớn dần, chiếm diện tích trong hộp sọ và chèn ép nhu mô não, vì vậy, làm tăng áp lực bên trong hộp sọ (gọi là tăng áp lực nội sọ). Các triệu chứng có thể bắt đầu phát triển sau đó, tuy nhiên, máu tụ dưới màng cứng nhỏ lại không có bất kỳ triệu chứng nào.

Máu tụ dưới màng cứng được chia làm các dạng sau:

- Tụ máu dưới màng cứng cấp tính:

+ Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi chấn thương đầu như bệnh nhận có thể bị bất tỉnh ngay tại thời điểm chấn thương hoặc có thể tỉnh táo sau chấn thương một vài giờ đầu, rồi sau đó hôn mê trở lại khi khối máu tụ hình thành.

+ Nếu bệnh nhân không ngất, có thể thấy đau đầu tăng dần, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn, yếu chân tay một bên và nói khó khăn, đôi khi có thể co giật.

- Máu tụ dưới màng cứng bán cấp:

Các dấu hiệu tương tự như hình thức cấp tính mô tả trên (mất ý thức, nhức đầu, nôn và buồn nôn) nhưng xuất hiện sau khoảng 1 đến 3 tuần.

- Máu tụ dưới màng cứng mạn tính:

+ Các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khoảng sau 3 đến 4 tuần sau khi bị chấn thương đầu. Đây thường là chấn thương nhỏ hoặc bệnh nhân không nhớ bị chấn thương đầu như do dùng thuốc chống đông hay nghiện rượu.

+ Các triệu chứng có thể tăng dần với các biểu hiện như chán ăn, nôn và/hoặc buồn nôn, nhức đầu, nói khó khăn, rối loạn thị giác,…