Bong gân, căng gân hay các chấn thương khác của các dây chằng và gân kết nối và hỗ trợ cho các đầu xương của khớp gối là những vấn đề thường gặp trong chấn thương. Dây chằng bên trong là hay bị tổn thương nhất trong các tổn thương khớp gối. Trong một số tình huống (tai nạn giao thông, chấn thương thể thao…) khớp gối bị đặt sai tư thế làm cho dây chằng chéo trước bị tổn thương, nó có thể bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn. Thỉnh thoảng có gặp rách của các đệm sụn khớp gối.



Mặc dù có những ngoại lệ, đa số các dây chằng bên (dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong) không cần đến phẫu thuật. Tuy vậy, khi các dây chằng chéo (dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau) bị đứt hoàn toàn hay bị giãn quá mức, lựa chọn duy nhất là phẫu thuật tái tạo khớp gối. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ dây chằng chéo trước bị đứt và thay thế bằng gân cơ khác (thường là gân cơ chân ngỗng, gân xương bánh chè hoặc gân cơ mác). Sau phẫu thuật, người bệnh cần được tập phục hồi dây chằng chéo trước đúng cách để có thể sớm trở lại với các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Người bệnh cần đạt được 5 mục tiêu Vật lý trị liệu sau:

Mục tiêu 1: Bảo vệ dây chằng mới

Do tính chất lành thương, dây chằng mới cần thời gian để gắn kết hoàn toàn với phần xương và mạch máu mới tới nuôi. Lực căng của dây chằng chéo trước thay đổi trong các cử động khác nhau của khớp gối. Việc nôn nóng vận động mạnh sớm hoặc thực hiện sai bài tập dễ làm giãn dây chằng gây lỏng gối, hoặc thậm chí bong dây chằng mới.

Đầu tiên, người bệnh cần mang nẹp khi vận động. Bên cạnh đó, nhân viên Vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cách đi nạng phù hợp với tổn thương kèm theo của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần được hướng dẫn cách đi vệ sinh, cách lên xuống cầu thang sao cho an toàn nhất. Qua từng giai đoạn, các bài tập được tăng tiến dần và phải đảm bảo tính an toàn cho dây chằng mới.

Mục tiêu 2: Giảm viêm và đau

Sau mổ, các mô mềm vùng gối bị tổn thương, nếu người bệnh nôn nóng hoạt động quá nhiều dễ gây sưng phù, làm ảnh hưởng tới quá trình lành thương. Vì thế, tập Vật lý trị liệu cần được thực hiện sớm ngay ngày đầu giúp giảm sưng và đau.

Người bệnh được nhân viên vật lý trị liệu hướng dẫn một số bài tập và áp dụng phương pháp R.I.C.E (nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và kê cao chân). Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế đi lại quá nhiều hoặc vận động mạnh chân mổ. Chườm đá vùng khớp gối trong 20 phút cách mỗi 3 giờ. Đá lạnh làm mạch máu co lại, giảm sưng nề vùng gối, đồng thời cũng có tác dụng giảm cảm giác đau. Bên cạnh đó, người bệnh cần băng ép đầu gối bằng băng thun. Khi nằm, người bệnh kê chân mổ cao hơn tim, đồng thời thường xuyên vận động cổ chân lên xuống. Bài tập này đặc biệt quan trọng trong tuần đầu tiên, giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa hình thành cục máu đông (huyết khối).

Mục tiêu 3: Phục hồi lại tầm hoạt động khớp gối bình thường

Vận động của khớp gối bao gồm gấp và duỗi. Biến chứng thường gặp ở người bệnh sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước là giảm tầm vận động, gấp hoặc duỗi ít hơn so với khớp gối bình thường. Nguyên nhân gây ra do thiếu cơ chế vận động (ít đi lại), cử động bất thường của khớp gối, giảm sức mạnh cơ vùng gối, sẹo ở mặt trước gối.

Để tránh tình trạng giảm tầm vận động khớp gối, người bệnh cần bắt đầu tập vật lý trị liệu sớm sau khi mổ. Bao gồm các bài tập vận động gập duỗi gối, kéo giãn cơ vùng đùi, cẳng chân và một số kĩ thuật bằng tay để đảm bảo khớp gối và xương bánh chè hoạt động tốt. Người bệnh cần duỗi gối thẳng hoàn toàn trong những ngày đầu tiên sau mổ. Cử động gấp gối được tiến hành dần dần qua từng giai đoạn phục hồi.

Mục tiêu 4: Gia tăng sức mạnh cơ và cảm giác bản thể

Do cử động bị hạn chế và ít đi lại, người bệnh dễ bị yếu và teo các cơ vùng đùi, cơ mông và cơ vùng cẳng chân. Các cơ yếu làm giảm sự ổn định của khớp gối. Người bệnh cần sớm tập luyện để duy trì và gia tăng sức mạnh cơ. Các bài tập phục hồi sau mổ dây chằng chéo trước phải phù hợp với từng giai đoạn sao cho không ảnh hưởng tới dây chằng mới. Ban đầu là những bài tập gồng cơ và chủ động nhẹ nhàng, sau đó tập nặng dần lên khi đủ thời gian.

Cảm giác bản thể là cảm giác về tư thế của cơ thể trong không gian. Cảm giác bản thế cần được tái huấn luyện để có thể bảo vệ khớp gối và giảm nguy cơ chấn thương lại. Các bài tập chuyên biệt giúp cơ đáp ứng nhanh, nó được gọi là huấn luyện thần kinh - cơ. Huấn luyện này bao gồm các bài tập thăng bằng, kiểm soát khớp, sức mạnh cơ và sự linh hoạt.

Mục tiêu 5: Trở lại hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao

Khi người bệnh đạt được các mục tiêu về tầm vận động, lực cơ và đủ thời gian, huấn luyện chức năng được gia tăng giúp người bệnh trở lại sinh hoạt trước đây hoặc tham gia lại các hoạt động thể thao.

Dây chằng chéo trước làm việc một cách tự động để hỗ trợ trong việc ổn định khớp gối khi thực hiện các động tác. Vì thế việc huấn luyện lại rất quan trọng và cần đúng thời điểm. Người bệnh cần có sự phản xạ nhanh chóng trong những tình huống bất ngờ như trượt, té… đặc biệt quan trọng ở những người chơi thể thao. Khả năng phản xạ nhanh chỉ trở lại khi có tập luyện. Bên cạnh đó, các cơ cần sự linh hoạt: khi bắt đầu hoặc kết thúc cử động, khi đổi hướng đột ngột, khi thay đổi tốc độ cử động. Việc chơi lại thể thao quá sớm dễ làm dây chằng bị tổn thương lại.

Tóm lại, người bệnh sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước cần tập vật lý trị liệu giãn dây chằng sớm. Người bệnh cần tuân thủ chương trình giúp đảm bảo thời gian phục hồi, an toàn cho dây chằng mới và tránh những biến chứng có thể xảy ra. Nếu tập luyện tốt, người bệnh có thể trở lại với các hoạt động sinh hoạt ban đầu và tập luyện, thi đấu thể thao.