Mới đây, tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN-PTNT Yên Bái tổ chức “Chương trình hỗ trợ phòng, chống rét cho trâu, bò”.
Đọc thêm: Phân bón
Chương trình hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, vật liệu che chắn chuồng trại, tư vấn kỹ thuật cho hàng trăm hộ dân thuộc 4 xã nghèo gồm xã Chế Cu Nha, Mồ Dề, Púng Luông và Cao Phạ của huyện Mù Cang Chải.

Lãnh đạo các đơn vị trao cám cho bà con nông dân
Mặc thời tiết giá lạnh, rét thấu da, thấu thịt nhưng ngay từ sáng sớm hàng trăm hộ dân nằm trong diện được hỗ trợ đã có mặt tại UBND xã Chế Cu Nha để xếp hàng nhận hỗ trợ.
Là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, anh Sùng A Chua (xã Mồ Dề) chia sẻ, gia đình anh đang chăn nuôi 1 con trâu, 1 con nghé. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nguồn thức ăn dự trữ về mùa đông cho trâu không được đầy đủ. Chuồng trại vẫn còn hở hang, chưa kín gió.
Được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông huyện, tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, anh Chua được tham gia các lớp tập huấn về cách phòng, chống rét cho trâu, bò. Vì vậy, anh đã nắm bắt được một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vào mùa đông và đã áp dụng vào việc chăn nuôi trâu của gia đình.
Còn anh Khang A Chu (xã Chế Cu Nha) vui mừng nói, bên cạnh được dự các lớp tập huấn, gia đình anh còn được hỗ trợ 1 bao cám nặng 25kg. Nhờ đó, gia đình có thêm nguồn thức ăn cho trâu vào những ngày giá rét.
“Sau 3 buổi dự lớp tập huấn về cách phòng, chống rét cho trâu, bò, tôi đã chủ động hơn trong việc chống rét cho con trâu của gia đình. Thường xuyên thu dọn phân trâu, quây kín chuồng trại; bổ sung thức ăn tinh, giúp trâu có sức đề kháng tốt hơn…”, anh Chu thổ lộ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, ông Lê Trọng Khang cho biết, để chủ động phòng, chống đói rét trên đàn gia súc, nhất là đối với con trâu, bò trong mùa đông, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền người dân thu gom rơm, rạ sau khi thu hoạch; trồng thêm diện tích cỏ voi để tăng thêm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc vào mùa đông…
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, trong các tháng 1 - 2/2018, rét đậm, rét hại đã làm chết 1.264 con gia súc. Riêng huyện Mù Cang Chải có 397 con gia súc bị chết rét, trong đó có 317 con trâu, bò.
Ông Khánh cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có 41.875 hộ chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, 2.232 hộ không có chuồng trại và 7.965 hộ không có thức ăn dự trữ. Dự báo, nếu xảy ra rét đậm, rét hại dưới 12°C kéo dài trên 10 ngày sẽ có khoảng trên 9.000 hộ với 18.000 con trâu, bò sẽ không đủ thức ăn…

Bà con vui mừng khi được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi
Được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi đã triển khai chương trình hỗ trợ phòng, chống rét cho trâu, bò tại tỉnh Yên Bái.
Chương trình đã tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ, kỹ thuật nông nghiệp, cộng tác viên khuyến nông, người chăn nuôi về kỹ thuật phòng chống rét và phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò. Hỗ trợ vật tư (cám, vật tư che chắn chuồng trại) cho các hộ chăn nuôi.
“Đây là chương trình kịp thời, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng trong SX chăn nuôi của người dân, góp phần quan trọng trong phòng, chống đói rét cho trâu, bò trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Mù Cang Chải nói riêng”, ông Khánh bộc bạch.
Phát biểu tại chương trình hỗ trợ, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi mong muốn bà con biết quý trọng tài sản (trâu, bò) của gia đình. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò trong mùa đông để chăn nuôi có hiệu quả hơn.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, chương trình đã hỗ trợ cho 4 xã nghèo của huyện Mù Cang Chải, gồm xã Chế Cu Nha (152 hộ), Mồ Dề (200 hộ), Púng Luông (200 hộ) và Cao Phạ (97 hộ). Theo đó, mỗi hộ được nhận 1 bao cám/con trâu hoặc bò.
Trước khi triển khai chương trình, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái thực hiện đào tạo tập huấn cho cán bộ Khuyến nông các cấp, bà con nông dân về cách phòng, chống rét cho gia súc. Trong quá trình triển khai, bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình, tạo ra thói quen mới trong chăn nuôi và đã biết cách bổ sung nguồn thức ăn tinh cho trâu, bò.