CHÉM KẺ TRỘM NGAY TRONG ĐÊM – CHỦ NHÀ BỊ TRUY TỐ VÌ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 1-11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Minh Phương (51 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi chém trọng thương kẻ trộm bằng kiếm, gây thương tích 90%. Bị cáo Phương đã bị HĐXX tuyên phạt chín năm tù về tội giết người.
Nội dung vụ án như sau: Khoảng 0 giờ ngày 23-11-2017, cháu NĐT (16 tuổi) đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình Lê Minh Phương để tìm đồ ăn và trộm cắp tài sản. Lúc này, vợ chồng bị cáo đang ngủ trên gác. Phát hiện tiếng động bất thường, vợ bị cáo ngó xuống phía dưới và phát hiện cháu T. đang lục lọi đồ đạc nên đánh thức chồng dậy.
Ngay sau đó bị cáo đi xuống tầng một, lấy thanh kiếm rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Cùng thời điểm, cháu T. vừa ăn bánh mì vừa tiến về chỗ chủ nhà.
Chờ T. tiến lại gần, Lê Minh Phương xông tới dùng kiếm chém liên tiếp hai nhát vào đầu và tay đối phương. Vợ bị cáo thấy nạn nhân bị chảy nhiều máu nên gọi xe cấp cứu đưa tới bệnh viện, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định mặc dù bị hại trong vụ án không mất mạng nhưng tổng tỉ lệ tổn hại sức khỏe tương ứng với nhiều vết thương lên đến hơn 90%.
Vụ án này ngay từ thời điểm xảy ra và khi khởi tố bị can đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về hành vi chém trộm trong đêm của Phương là giết người hay phòng vệ chính đáng. Theo đó, với hành vi đột nhập vào nhà của bị hại, việc bị cáo phòng vệ là cần thiết và chính đáng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Đặt tình huống nửa đêm bất ngờ có bóng đen xuất hiện, chủ nhà có quyền lập tức phòng vệ chứ không cần phải đợi kẻ gian có hành vi tấn công. Việc đánh phủ đầu là được phép vì hành vi đột nhập vào chỗ ở trong đêm ẩn chứa những nguy cơ lớn về khả năng xảy ra án mạng.
Bên cạnh đó, việc bị cáo dùng kiếm chém loạn xạ trong bóng tối khi chưa bật đèn dẫn đến hậu quả gây thương tích cho bị hại có dấu hiệu phòng vệ chứ không phạm tội. Hoặc trong trường hợp hành động vượt quá mức cần thiết, căn cứ yếu tố hậu quả có thể xử lý về tội giết người (hoặc cố ý gây thương tích) do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…
Ý kiến của TGS Law về vụ này
Trong thực tế có rất nhiều vụ việc khi trộm đột nhập vào nhà , chủ nhà đã có những hành động vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng . Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một điều, lúc đó, chủ nhà chỉ biết có một điều là bây giờ đang là 12h tối và có một kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà mình. Trong thời đại này, ai có thể đảm bảo đó không phải là một Lê Văn Luyện thứ hai?
Tuy nhiên, pháp luật vẫn là pháp luật, pháp luật không thể chạy theo cảm xúc của dư luận . Luật sư Nguyễn Văn Tuấn ( Giám đốc Hãng luật TGS ) cho rằng “Hành vi của chủ nhà hết sức nguy hiểm, đã dùng kiếm (hung khí nguy hiểm) chém liên tiếp hai nhát vào tay và đầu (đây là vùng nguy hiểm, xung yếu nhất của con người). Chủ nhà khi dùng kiếm chém như vậy phải nhận thức hành vi của mình có thể đe dọa đến tính mạng cháu T. Dù cháu T. không chết nhưng tổn hại sức khỏe lên đến hơn 90%. Do đó hành vi có dấu hiệu cấu thành tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt. ”
Luật sư Tuấn phân tích thêm cần phải xác định được chủ nhà dùng kiếm chém cháu T. bị thương khi đang ở tình huống nào?
“ Trường hợp nếu chủ nhà đang bị tấn công thì bất kể là ai cũng có quyền tự phòng vệ. Bởi pháp luật có quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết.
Cũng cần lưu ý, khi người tấn công đã chấm dứt hẳn hành vi mà nếu tiếp tục sử dụng quyền phòng vệ thì ngay lập tức chuyển từ phòng vệ chính đáng sang vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tùy theo hậu quả xảy ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã có những biểu hiện đe dọa sự tấn công thì pháp luật vẫn cho phép được quyền phòng vệ chính đáng. Nếu chưa có những biểu hiện đe dọa sự tấn công ngay tức khắc mà đã phòng vệ thì đó là trường hợp phòng vệ quá sớm và cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trong trường của cháu T, rõ ràng chưa có “những biểu hiện đe dọa sự tấn công ngay tức khắc” và chủ nhà đang ở thế chủ động phòng vệ quá sớm và quá mức cần thiết. Việc chủ nhà chủ động cầm kiếm, có thời gian quan sát thấy rõ nạn nhân còn nhỏ, không có hung khí trong tay, mà ông ấy lại chém vào tay, vào đầu nạn nhân là đã đi quá giới hạn của những tình huống mà luật định cho phép. Do đó bị cáo Phương bị TAND TP. Hà Nội kết án về tội giết người là có cơ sở.”

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900.8698 Hoặc truy cập website: https://tgslaw.vn

Chủ đề cùng chuyên mục: