Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh
Các chi phí trong doanh nghiệp được nhìn nhận theo nhiều góc độ. Phân loại chi phí là cách sắp xếp các chi phí khác nhau vào cùng một nhóm dựa trên các tiêu thức phân loại khác nhau. Phân loại chi phí phụ thuộc vào nhu cầu thông tin quản lý. Tùy vào yêu cầu thông tin mà có các cách phân loại chi phí khác nhau.

Tham khảo thêm các bài viết khác của Luận Văn Việt:
+ doanh thu ròng
+ khái niệm chuỗi giá trị
+ chương trình 135
>>> Phân loại chi phí sản xuất theo yếu tố, chi phí bao gồm:
– Chi phí vật tư: Bao gồm toàn bộ giá trị các loại vật tư mua ngoài dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: chi phí về nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ … sử dụng cho sản xuất, chế tạo sản phẩm hay thực hiện công việc, lao vụ trong kỳ báo cáo.
– Chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương: là toàn bộ các khoản tiền lương phải trả và các khoản trích theo lương như: chi phí tiền lương, phụ cấp phải trả, và các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo tỷ lệ quy định trên tiền lương của người lao động tính vào chi phí.
– Chi phí khấu hao tài sản cố định: là toàn bộ số tiền khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp sử dụng cho sản xuất kinh doanh trong kỳ.
– Chi phí dịch vụ mua ngoài: là toàn bộ số tiền doanh nghiệp phải trả cho các dịch vụ đã sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ do các đơn vị khác cung cấp như: Điện, nước, điện thoại…
– Chi phí khác bằng tiền: Gồm các khoản chi phí sản xuất kinh doanh chưa được phản ánh ở các chỉ tiêu trên đã chi bằng tiền trong kỳ báo cáo, như chi tiếp khách, hội họp.
Cách phân loại này cho thấy mức chi phí về lao động sống và lao động vật hoá trong toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh trong kỳ. Do vậy nó có tác dụng giúp cho doanh nghiệp lập dự toán chi phí sản xuất theo yếu tố, kiểm tra sự cân đối giữa kế hoạch cấp vật tư, kế hoạch lao động tiền lương, kế hoạch khấu hao TSCĐ…
>> >Phân loại chi phí sản xuất theo khoản mục chi phí trong giá thành sản phẩm, chi phí gồm :
– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: gồm chi phí về nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ sử dụng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm
– Chi phí nhân công trực tiếp:Bao gồm các khoản chi phí phải trả cho nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm, dịch vụ như: tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích theo tiền lương (kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) của công nhân trực tiếp sản xuất.
– Chi phí sản xuất chung: Là các khoản chi phí phát sinh tại bộ phận sản xuất ngoại trừ hai khoản mục chi chí trên như: chi phí nhân viên quản lý phân xưởng, chi phí công cụ dụng cụ phục vụ sản xuất, chi phí khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất, chi phí dịch vụ phục vụ sản xuất.
– Chi phí bán hàng: là các khoản chi phí phục vụ cho việc tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm của doanh nghiệp như: chi phí nhân viên bán hàng, chi phí vật tư phục vụ bán hàng, chi phí công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí khác phục vụ bán hàng.
– Chi phí quản lý doanh nghiệp: là các khoản chi phí phục vụ cho bộ máy điều hành của doanh nghiệp như: chi phí nhân viên quản lý, chi phí vật tư phục vụ quản lý, chi phí công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí khác phục vụ quản lý.
Cách phân loại này giúp cho doanh nghiệp có thể tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm cho từng loại sản phẩm, quản lý chi phí tại địa điểm phát sinh để khai thác khả năng hạ giá thành sản phẩm.
>> > Phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ giữa chi phí sản xuất với khối lượng công việc hoàn thành, chi phí gồm:
– Chi phí biến đổi : Là những khoản chi phí thay đổi về lượng tương quan tỷ lệ thuận với sự thay đổi của khối lượng sản phẩm sản xuất kinh doanh trong kỳ như: CP VL trực tiếp, nhân công trực tiếp…
– Chi phí cố định :Là những khoản chi phí không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi khối lượng sản phẩm sản xuất trong mức độ nhất định như: Chi phí khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng, chi phí điện chiếu sáng…
– Chi phí hỗn hợp: là loại chi phí mà bản thân nó gồm có cả chi phí biến đổi và chi phí cố định .
Việc phân loại này có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết kế, xây dựng mô hình chi phí trong mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận, xác định điểm hoàn vốn cũng như ra các quyết định kinh doanh quan trọng.
Cách phân loại này giúp cho doanh nghiệp thấy được xu hướng biến đổi của từng loại chi phí theo quy mô kinh doanh, từ đó doanh nghiệp có thể xác định được sản lượng hoà vốn cũng như quy mô kinh doanh hợp lý để đạt được hiệu quả cao.

Chủ đề cùng chuyên mục: